Giá lợn hơi liên tục tăng trong vòng 2 tháng trở lại đây dẫn đến lo ngại ngành chăn nuôi lợn sẽ tăng nóng dẫn đến cung vượt cầu như thời điểm 2017, Bộ NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay một số giải pháp ổn định nguồn cung mặt hàng này.
Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 7/2018, giá lợn hơi trong nước tiếp tục xu hướng tăng. Tại một số tỉnh, thành ở miền Bắc, giá lợn hơi xuất chuồng lập đỉnh mới chạm mốc 56.000 đ/kg, tăng 3.000 - 5.000 đ/kg so với tháng trước.
Đây được xem là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua, còn so với năm 2017, giá thịt lợn ở thời điểm này đã tăng gấp đôi. Giá lợn hơi tại Phổ Yên (Thái Nguyên), Hải Hậu (Nam Định), Khoái Châu (Hưng Yên), Ứng Hòa (Hà Nội), Hải Dương, Quảng Ninh đạt mức cao nhất là 56.000 đ/kg đối với lợn siêu đẹp, có trọng lượng trên 100kg /con.
Giá lợn hơi tại Ninh Bình tăng 5.000 đ/kg lên mức 55.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung, giá lợn hơi tại Hà Tĩnh dao động ở mức 53.000 - 54.000 đ/kg, tăng 3.000 – 4.000 đ/kg so với tháng trước.
Tại tỉnh Bạc Liêu giá lợn hơi là 46.000 đ/kg, tại Tiền Giang, giá lợn hơi từ 47.000 – 48.000 đ/kg, còn Đồng Nai giá lợn hơi hiện khoảng 50.000 đ/kg. Giá lợn hơi tăng là do nhu cầu thị trường, còn nguồn cung thì không thiếu. Các doanh nghiệp chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài và các trang trại chăn nuôi lớn vẫn còn lượng lợn khá nhiều, đủ sức đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, do giá lợn hơi liên tục tăng trong vòng 2 tháng trở lại đây dẫn đến lo ngại ngành chăn nuôi lợn sẽ tăng nóng, vượt cầu như thời điểm 2017, Bộ NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay một số giải pháp ổn định nguồn cung mặt hàng này.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp cho biết giá lợn hơi trong nước đang thuộc nhóm cao trong khu vực và hoàn toàn do thị trường trong nước và người chăn nuôi chi phối, việc khan hiếm lợn chỉ xảy ra cục bộ nhưng gây tâm lý thị trường đang thiếu nguồn cung thịt lợn dẫn đến giá tăng cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và các trang trại lớn vẫn đang đủ nguồn cung cấp thịt lợn chứ không hề khan hiếm.
Vì vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng trên địa bàn khẩn trương thống kê nhanh quy mô đàn nái và đầu lợn, sản lượng lợn thịt dự kiến trong từng tháng từ nay đến tháng 2/2019, so sánh với cùng kỳ năm 2017, gửi báo cáo gấp về Cục Chăn nuôi để Cục tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Ngoài ra, các tỉnh cũng cần thông tin thường xuyên và đầy đủ về giá cả thị trường và nguồn cung lợn thịt; tuyên truyền để người chăn nuôi và thương lái biết và cùng có trách nhiệm ổn định thị trường, ngành hàng chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng như: không đẩy giá lợn vượt ngưỡng 50.000 đồng/kg, xuất lợn đúng tuổi, đúng khối lượng, không đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá và tuyệt đối không để các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn làm giá.
BizLive